Đầu tư cho cây cảnh xuất khẩu sang Nhật và Trung Quốc
4/4/2007
Nghệ thuật cây cảnh vốn đã được người Trung Quốc tạo nên từ lâu đời. Rồi qua tay người Nhật, cây cảnh đã thực sự được quốc tế hoá thành nghệ thuật “bonsai - điêu khắc sống – la sculpture vivante”. Vậy mà nay, Việt Nam đã xuất khẩu cây cảnh sang cả hai quốc gia này, nhưng phải tính đến chuyện ứng dụng công nghệ cao sinh học cấy phôi để tạo cây giống mới đáp ứng được yêu cầu nước bạn.
Muốn xuất khẩu cây cảnh sang hai thị trường trên, không những cây cảnh phải đẹp, độc đáo, chất lượng mà đặc biệt quan trọng là khả năng thích nghi với thời tiết. Do khí hậu tại Trung Quốc và Nhật Bản lạnh hơn so với ở Việt Nam, thổ nhưỡng cũng có nhiều điểm khác nên đòi hỏi người trồng cây cảnh của Việt Nam phải chú ý, “rèn luyện” sức chống chịu và thích nghi cho cây cảnh ngay từ giai đoạn còn nhỏ.
Mặt khác, lai tạo giống cũng giúp cho cây cảnh vừa có hình dáng phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ở thị trường xuất khẩu, vừa có khả năng thích nghi cao.
Điển hình cho việc phải đầu tư công nghệ và nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xuất khẩu thành công cây cảnh sang Nhật và Trung Quốc là công ty Tùng Lâm ở Hà Nội và ông Lê Quang Vinh ở Gò Vấp Thành phố Hồ Chí Minh. Công ty Tùng Lâm của ông Vũ Kiên Chỉnh ở Hà Nội đã xuất đại trà mallsai - dịch nguyên văn là bonsai bán ở siêu thị, giá 5-10 Euro/cây cho Tập đoàn Veri Green của Nhật. Tại Nhật, mùa đông rất lạnh nên cây cảnh nhiệt đới Việt Nam không chịu được phải lo cả khâu sưởi trong nhà kính. Chính vì thế, đối tác Nhật này hợp đồng luôn thiết bị suởi độc đáo cùng than tổ ong tiết kiệm do chính công ty Tùng Lâm này sáng chế.
Với niềm đam mê theo đuổi nghệ thuật trồng cây cảnh, ông Lê Quang Vinh đã lặn lội sang tận Trung Quốc, Đài Loan, lùng kiếm cây gốc độc đáo, đóng container mang về. Rồi đổ công sức tư duy nghệ thuật hàng năm trời chăm chút cắt, tỉa, uốn… đủ mọi đường tỉ mẩn, công phu, cho đến khi thực sự thành tác phẩm điêu khắc sống động về giáng, thế của thân, cành, nhánh, rễ… nhất là tán lá nhánh lên sự sống mãnh liệt thì mới đem xuất khẩu. Cách đây mấy năm, ông đã cho xuất sang Nhật một số cây cảnh với giá hàng chục nghìn USD/cây. Bên cạnh đó còn có rất nhiều đại gia và nghệ nhân sành cây cảnh đang sở hữu những thế cây vô cùng giá trị, có một không hai đang được Nhật Bản và Trung Quốc hết sức quan tâm và tìm cách mua lại.
Cây cảnh là loại mặt hàng rất có giá về giá trị nghệ thuật cũng như kinh tế. Với bàn tay khéo léo và trí tuệ sáng tạo của những nghệ nhân, cây cảnh Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu sang những quốc gia vốn nổi tiếng về bonsai như Trung Quốc, Nhật…
nguồn:
Rau, hoa, quả việt nam (http://www.rauhoaquavietnam.vn)