Bài viết của GoldenCanary
Trên DBC forum.
Chúng tôi lại đi rừng.
Để ngắm chim!
(Bài viết nguyên gốc vượt 10.000 ký tự và 15 hình ảnh xin phép tác giả cho giảm bớt 1 số hình ảnh và câu văn. Xin chân thành cảm ơn)
Điểm hẹn ngắm chim cũng là một nơi nổi tiếng: Cát Tiên - vùng rừng quốc gia có hệ động thực vật phong phú vào bậc nhất miền Nam Việt Nam, được UNESCO công nhận danh hiệu "khu dự trữ sinh quyển thế giới" - nơi còn lại những cá thể được coi là cuối cùng của nhiều loài động vật quí hiếm tại Việt Nam: bò tót bateng, tê giác một sừng Java, voọc má trắng... - nơi cư ngụ của 40 loài 'được' nằm trong sách đỏ thế giới!
Câu chuyện đầu tiên: Những chiếc túi môi trường!
Nó chỉ là những cái túi đơn giản bằng giấy tái chế có quai bằng dây gai: có khả năng tan rã trong môi trường ẩm ướt của rừng cận nhiệt đới Nam Cát Tiên - nghĩa là nó sẽ không ngấm ngầm nằm dưới lớp đất hay lá mục của rừng sau sự vô ý của một ai đó để ngấm ngầm thải ra đất những hóa chất độc hại với môi sinh như những cái túi nilon đang được phát miễn phí nhan nhản ngoài chợ, ở các cửa hàng, tại các siêu thị....
Nó nhỏ gọn. Được in hình đẹp đẽ và vừa vặn để mang xách vài vật dụng nhỏ phục vụ sinh hoạt cơ bản cho những chuyến đi rừng trong ngày: chai nước suối, mấy chiếc bánh khô, vài quả tươi nhiều nước, và đôi ba dụng cụ lặt vặt: dây dù, kéo, dao nhỏ...
Thế nhưng, nó mang thông điệp đầu tiên mà muốn qua sông đến với Cát Tiên thì người đi rừng phải tuân thủ: "Không túi nilon !"
Trông nó thật bình thường
Câu chuyện thứ Hai: Ngắm chim thế nào ?
Đến với một khu rừng mới, đến với một không gian sinh học mới: chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng! Với hơn 70 ngàn hec-ta thảm động thực vật và chỉ vỏn vẹn 2 ngày 2 đêm để khám phá: chúng tôi sẽ phải đi đâu, làm gì, nên đi về hướng nào để có thể ngắm nhìn những loài chim, tìm hiểu như thế nào về tập tính sinh hoạt, cách thức tổ chức cuộc sống của chúng trong một cộng đồng muông thú chung hoàn toàn hoang dã và rộng lớn như thế này ?... – là những dấu hỏi trong đầu mà câu trả lời còn rất mơ hồ.
Thế nên: song song với sự tò mò và háo hức được khám phá là chút băn khoăn chờ đợi những sự chỉ dẫn, gợi bảo thông tin đâu đó: để những con người xem chim chưa chuyên nghệp (trong số đó có rất nhiều người lần đầu tiên đến với Cát Tiên) có chút vốn liếng để tự tin và hiệu quả dấn bước trên con đường chinh phục những đốm kiến thức nhỏ nhoi trong lĩnh vực xem chim/bird watching đầy kì thú ….
Thế nhưng….!
Có lẽ sẽ phải tích cực đóng góp thêm những gợi í với ban quản lí vườn quốc gia: để Cát Tiên được đón khách với sự chuyên nghiệp và những hướng dẫn tận tình.
Trong số đó là những bảng thông tin dễ hiểu và cụ thể, những brochure hướng dẫn cơ bản và chi tiết cho khách viếng thăm rừng, những hệ thống cơ sở dữ liệu trên vi tính thật tiện ích để tra cứu cũng như sắp xếp một cách có hệ thống những sách vở, tiêu bản… trong nhà truyền thống dành cho công tác tham khảo…
Thậm chí là những chiếc ghế đẽo gọt từ gỗ tạp đơn giản, những chiếc lều tranh nhỏ thô sơ để giúp khách bộ hành nghỉ chân tránh mưa nắng mỗi khoảng 2-3km đường rừng…, thì rất hi vọng một ngày không xa: Cát Tiên không chỉ là một khu dự trữ sinh quyển được thế giới công nhận, mà còn là nơi truyền tải thông điệp môi trường hiệu quả và sinh động, là một khu dự trữ sinh quyển thân thiện và mời gọi tham quan được thế giới đánh giá cao, mà hễ bât cứ ai đã từng đến Cát Tiên, sẽ còn ao ước được tiếp tục trở lại mãi.
Dù sao, cũng đành phải hài lòng với vài thông điệp đơn giản mà theo tôi là còn hơi ít cảm xúc (có thông điệp nào muốn hiệu quả mà không phải tác động đến cảm xúc !?):
Và chuẩn bị sẵn sàng để bước đến với Rừng!
Buổi chiều đầu tiên và những cái tổ chim Mỏ rộng
Buổi chiều đầu tiên sau khi ổn định chốn ở: chúng tôi xách máy ảnh đi bộ theo lối hướng về Bàu Sấu để vào rừng.
Trời chiều đầu mùa mưa oi nồng, chỉ đi được khoảng 2 cây số đã thấy mồ hôi đầm đìa ướt áo. Trời xầm xì đe dọa đổ mưa, gần như không nghe thấy rõ tiếng chim ở đâu, và cũng gần như không thấy được bóng chim nào rõ rệt: có lẽ chúng cảm nhận được cơn mưa sắp tới, nên đã trốn về tổ, vào nơi trú ẩn hết rồi chăng...!?
Đi lối mòn dọc theo đường sông, những bụi mây, bụi lồ ô, bụi tre... cao 5-7m chen chúc giữa những thân cây chò chỉ, cây sao dầu cao hàng chục mét đổ ngọn cong và cành lá lòa xòa xuống dưới: vắt vẻo trên cao là những cái tổ chim mỏ rộng đan bện khá thô, nhưng chắc chắn:
Thoạt đầu, tôi quá ngạc nhiên khi thấy phần lớn những cái tổ như vậy được làm trên những ngọn tre, ngọn mây ngay trên đường mòn vào rừng. Nghĩa là bên dưới trống trải và luôn có người, có thú và thậm chí mỗi ngày có vài chục chuyến xe jeep, xe tải nhỏ mui trần chở khách tham quan rừng đi lướt qua bên dưới! Ồn ào và ttr ống trải một cách đáng ngại như vậy, sao những con chim vẫn chọn những vị trí đó để làm tổ?
Thế nhưng, khi quan sát thật kĩ, mởi hiểu những con chim kia chọn chỗ làm tổ như vậy hoàn toàn không phải ngẫu nhiên
Tổ dạng treo lắt lẻo trên ngọn cây - nhưng đó là những ngọn dây mây tươi rất dai và chắc!
Dù chúng oằn trĩu xuống theo sức nặng của cái tổ, nhưng chúng vẫn đủ cao để thú bên dưới không nhảy chồm lên được. Và vì là sợi mây tươi: chúng dẻo dai: có thể đu lắc rất dữ dội trước gió, nhưng không thể gẫy!
Và thú vị hơn: những ngọn mây tươi trẻ bao giờ cũng rất nhiều gai: mật độ gai tập trung ở đầu ngọn dây mây bao giờ cũng nhiều hơn ở phần thân gần về phía gốc, và những cái gai: ôi chao là sắc nhọn!
Thân mảnh khảnh, nhiều gai, cong oặt oẹo dẻo dai: không con chim lớn nào, không con sóc, con nhen nào đu bám được dễ dàng - sợi dây mây là lựa chọn an toàn cho loài chim mỏ rộng yên tâm làm tổ, sinh sản và nuôi con trước sự phá bĩnh của các loài chim ăn thịt hoặc những loài gặm nhấm leo trèo giỏi như sóc, nhen...
Thật thông minh!
Hay chính qui luật của chọn lọc tự nhiên đã ban cho loài chim mỏ rộng bản năng chọn chỗ làm tổ giỏi như vậy!?
Hình minh họa lấy từ Internet:
http://3.bp.blogspot.com/_1G8veVgGev...dBroadbill.jpg
Tổ của chim Mỏ rộng đen đỏ/Red and Black Broadbill (Cymbirhynchus macrorhynchos) thường có kích thước vừa phải, hình quả trám, độ dài khoảng 35cm-50cm, bện phần lớn bằng sợi lá cỏ nên lá nhanh héo: màu sắc tổ phần lớn có màu nâu của lá khô:
Mối bện thô, nhưng trông toàn thể tổ vẫn có cảm giác về kiểu cách thiết kế rất chặt chẽ. Lối ra vào dạng lỗ tròn, có vẻ như thường có xu thế hướng miệng tổ về phía rộng thoáng: có lẽ để chim dễ dàng bay vụt ra từ bên trong hay từ ngoài bay thẳng vào tổ mà không cần chuyền cành - vì làm tổ vắt vẻo toòng teng như vậy thì làm gì có cành mà chuyền dẫn vào tổ!
Trong khi đó, tổ của Mỏ rộng đầu đen - Dusky Broadbill (Corydon sumatranus) thì phải !? - thường lớn hơn, rộng ngang hơn và cũng thường dài hơn.
Quan sát vài tổ lớn có độ dài đến gàn 80-90cm. Hình dáng tổ có vẻ rất ... 'tùy sở thích' - có những cái tổ thuôn dài dạng quả trám, nhưng cũng có những cái to bè về chiều ngang, khiến tổng thể cái tổ trông như một ... búi cỏ bện lá 'lộn xộn một cách có chủ đích"!
Quan sát thấy khác với tổ của Mỏ rộng Đen đỏ, tổ của Mỏ rộng Đầu đen luôn có lá xanh - thật ra là những đoạn dây leo xanh có loại lá tròn cỡ móng ta khá dầy - như thể là một loài cây leo lá mọng nước như cẩm cù. Sợi của loại dây leo này khá to - cỡ sợi cước đan lớn: có lẽ nhờ vậy mà cái tổ tuy to mà chắc chắn ghê gớm. Chúng tôi may mắn được sờ mó trên ngọn cây một cái tổ như thế - rất chắc!
Còn vì sao chúng dùng loại dây leo có lá mọng nước này ?: có thể vì rừng Cát Tiên nhiều loại cây này, mà cũng có thể ở trên cao, nơi thoáng thường nhiều gió: tổ sẽ mau hanh khô, nên những cái lá xanh dầy có nhiều nước có thể giúp cho 'nội thất' tổ giữ được độ ẩm cần thiết cho trứng và chim non chăng!?
Ngày hôm sau vào rừng, may mắn chụp được con Mỏ rộng Đỏ Đen vừa bay vụt ra khỏi tổ
Nó cách mình xa quá, mà ống Tamron 90 hơi kém nên chỉ chụp được mờ mờ!
Còn sử dụng ống nhòm để ngắm, thì thấy nó đẹp tuyệt vời.
Không chỉ có bộ lông đỏ màu rượu vang lộng lẫy, nó có cái mỏ xanh biếc thật thu hút ghê gớm!
Còn chủ nhân của cái tổ có dây leo xanh mọng nước - Mỏ rộng đầu đen, thì trông không được sặc sỡ bằng. Tiếc là mấy ngày đi rừng chưa có dịp ngắm tận mắt được nó!