Trả lời
  #1  
Cũ 02-06-2012, 03:03 PM
cholonco cholonco đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 487
Mặc định Lò Gốm Quảng Hiệp Hưng Lái Thiêu

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Nhân dịp có một số ACE thắc mắc về lò gốm QUẢNG HIỆP HƯNG LÁI THIÊU, xin chia sẽ một vài thông tin.

Trong các gia đình Nam bộ xưa, nhà nào cũng có chí ít vài ba sản phẩm gốm Lái Thiêu. Dòng gốm này phát triển nở rộ những năm 40 - 60 của thế kỷ trước.


Tuy không có số liệu cụ thể, chính thức về việc xuất khẩu dòng gốm Lái Thiêu xưa ra nước ngoài, nhưng hiện ở thị trường các nước lân cận như Lào, Campuchia vẫn bày bán khá nhiều sản phẩm của dòng gốm này như một minh chứng cụ thể về sự phát triển và ảnh hưởng của nó trong sinh hoạt hằng ngày của cư dân Nam bộ và vùng phụ cận

Từ giữa thế kỷ 19, vùng Bình Dương, Sông Bé đã hình thành những lò sản xuất gốm. Ở khu vực Lái Thiêu cũng có một vài lò gốm do người Hoa làm chủ, toàn bộ các lò dù tên gọi khác nhau nhưng có một tên chung là gốm Lái Thiêu, như một thương hiệu định danh cho tất cả các làng gốm thuộc khu vực Bình Dương, Sông Bé. Đây là nơi tập trung các thương lái, chành, vựa thu gom sản phẩm gốm trong vùng tại cảng Bà Lụa, từ đó phân phối đi các thị trường vùng Đông Nam bộ, miền Tây và sang cả Cao Miên, Lào… Khi thương lái hỏi nguồn hàng đến từ đâu, câu trả lời là Lái Thiêu. Dần dần, hai chữ Lái Thiêu định tên luôn cho một dòng gốm gia dụng phổ biến ở Nam kỳ những năm đầu thế kỷ 20 cho đến tận hôm nay.




(Đôn của lò QUẢNG HIỆP HƯNG và chậu gốm LT làm theo trường phái GỐM QUẢNG ĐÔNG)



Trong việc hình thành những lò gốm ở khu vực Bình Dương, phải kể đến những người Hoa di cư sang Việt Nam, thành lập các lò gốm ở Sài Gòn mà nổi tiếng là gốm Cây Mai, chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ nhu cầu sử dụng, nhưng chủ yếu nhất là đồ thờ cúng, tượng thờ... Tiêu biểu là loại hình tiếu tượng hiện còn rải rác khá nhiều trên các mái đình chùa trong khu vực Chợ Lớn và các vùng phụ cận.

Qua quá trình đô thị hoá, các thợ gốm ở Sài Gòn dần dời về vùng ven, và Lái Thiêu là điểm đến lý tưởng, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào, việc giao thương thuận tiện đi các vùng miền khác thông qua cảng Bà Lụa. Những lò gốm dần hình thành với ba trường phái rõ rệt, đặc trưng của gốm Lái Thiêu xưa, đó là dòng gốm Quảng Đông, Phúc Kiến và Triều Châu.

Nếu như ở gốm Sài Gòn, thế mạnh là sản xuất các dòng đồ tự khí (thờ cúng), đồ dùng cao cấp, với những kỹ thuật tinh xảo, cầu kỳ, chi tiết, đặc sắc thì với gốm Lái Thiêu, các lò tập trung vào sản xuất đồ gia dụng, từ đồ thờ tự đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng hằng ngày của giới bình dân như tô, chén, đĩa, hũ, hộp, ống nhổ, tượng (tô lớn), tộ, thố, ấm, sanh, gối, đến sản phẩm sân vườn như đôn, chậu, bình hoa, choé, khạp, lu, đồ thờ cúng tượng, bát nhang, đèn… Những tên lò nổi tiếng gồm có Quảng Hoà Xương, Hưng Lợi, Thái Xương Hoà, Quảng Hiệp Hưng (gốm Quảng Đông), Duyệt An, Đào Xương, Vinh Phát, Hương Thành (gốm Triều Châu)…

Các hiện vật của dòng gốm Nam bộ qua thời gian càng tăng sức hấp dẫn. Đó là do vẻ đẹp mộc mạc của gốm Phúc Kiến (chủ yếu đồ đất nung hoặc tráng men da lươn), bay bướm qua lối công bút tài tình như gốm Triều Châu (gốm tráng men xanh trắng, gốm men màu - tam thái, ngũ thái… với các hoa văn, tích truyện được vẽ lên sản phẩm, hay đằm thắm với gốm Quảng Đông với kiểu phủ men độc sắc, nung lò củi nên hay có hoả biến tạo ra những sản phẩm kỳ diệu. Từng dòng sản phẩm, từ thứ cấp đến cao cấp, đã dần thuyết phục được những tay chơi cổ ngoạn, và việc săn lùng, tìm kiếm những hiện vật gốm Lái Thiêu xưa ngày càng nở rộ, nhất là thời điểm từ bốn năm trở lại đây.

Trong trang trí nội thất, gốm Lái Thiêu ngày càng được ưa chuộng bởi mỗi sản phẩm là sự pha trộn hoàn hảo của chất liệu thuần Việt, nhưng được những thợ gốm tài ba người Hoa chế tác, nên có được nét độc đáo riêng, thoạt nhìn giống đồ Tàu, nhưng trong cốt thai gốm, màu men, kiểu dáng lại phảng phất nét Việt, dễ trưng bày trong không gian nội thất từ cổ kính đến hiện đại. Thêm nữa là sự đa dạng trong loại hình sản phẩm khiến gốm Lái Thiêu xưa trở nên gần gũi với nhiều người. Cũng chính vì lẽ ấy mà người theo đuổi, săn tìm vẻ đẹp gốm Lái Thiêu xưa ngày càng nhiều.


Trả lời với trích dẫn
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
  #2  
Cũ 02-06-2012, 03:03 PM
john john đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 361
Mặc định

Hệ thống quảng cáo SangNhuong.com

Chữ trên gốm Lái Thiêu
Trên gốm Lái Thiêu, ngoài hoa văn trang trí còn có chữ viết, chữ viết trên đồ gốm được gọi là “minh văn”. Cách thức để viết minh văn trên gốm Lái Thiêu rất phong phú, đa dạng, thông thường là viết, in, khắc chìm dưới men hay đắp nổi trên men.
1. Niên đại (năm sản xuất):
Có hai cách ghi niên đại là cách ghi bằng chữ và cách ghi bằng số.
Cách ghi niên đại bằng chữ chủ yếu là chữ Hán, một ít chữ Việt, thường được viết dọc, rất ít viết ngang. Trong đó niên đại phần lớn được ghi theo năm can chi (Âm lịch) như: “Kỷ niệm Quí Tỵ niên ngũ nguyệt” (Kỷ niệm tháng 5 năm 1953); “Thời tại Nhâm Ngọ tác” (chế tác vào năm 1942) hay “Xuân Ất Mùi cung chúc tân xuân” (Chúc mừng năm mới – năm 1955). Cách ghi niên đại theo năm can chi thường kết hợp nội dung với tên lò sản xuất.

Cách ghi niên đại bằng số: Đây là cách ghi niên đại theo năm dương lịch, cách ghi này chiếm số lượng không nhiều, trong đó có cách ghi bằng số Ả Rập như 1939, 1959, 1961… Đây là cách ghi thường được áp dụng trên các sản phẩm gốm phương Tây. Ngoài ra, trên gốm Lái Thiêu còn có cách ghi bằng số Trung Quốc như: Tây nhất cửu lục nhất niên lục nguyệt tác (làm vào tháng 6 năm 1961 Tây lịch).

Trong tiến trình lịch sử gốm Việt Nam, việc ghi niên đại trên đồ gốm đã được ghi nhận từ khoảng thế kỷ V – VI (1). Sau đó xuất hiện khá nhiều vào thời Lê – Mạc và ngày càng được định hình cho đến ngày nay. Nhưng việc ghi niên đại trên đồ gốm ở giai đoạn đầu chủ yếu dưới dạng chữ viết, thường là chữ Hán, được ghi dưới dạng niên hiệu hay đế hiệu như “Vĩnh Thịnh niên chế” (chế tạo vào năm Vĩnh Thịnh 1705 – 1719) hoặc ghi niên hiệu năm can chi “Cảnh Trị cửu niên tuế thứ Tân Hợi” (được chế tác vào năm 1671) (2) hay chỉ ghi năm can chi như “Bính Thìn niên” (năm Bính Thìn).

2. Tên lò hay tên người chế tác:
Cách viết này phổ biến trên hầu hết sản phẩm, trong đó tên lò chiếm số lượng nhiều nhất. Cách thức để viết: tên lò cộng thêm chữ “xuất phẩm” (làm ra sản phẩm), hay tên lò cộng thêm chữ “tạo” (chế tạo) hay chữ “tác” (chế tác), một số ít được ghi tên lò cộng thêm chữ “gia” (nhà, tiệm”, chữ “xưởng” (nơi sản xuất) hoặc chữ “ký” (tiệm). Về tên lò một số lò tiêu biểu được ghi như: Vinh Phát xuất phẩm; Đào Xương xuất phẩm, Thái Xương Hòa xuất phẩm; Duyệt An xuất phẩm; Quảng Hòa Xương Diêu xuất phẩm… Nhân Hòa tạo, Hưng Luân Thái tạo, Phước Hiệp Hưng tác… Thái Phát đào xưởng… Hưng Long gia… Ngọc ký, Hưng Hiệp Nguyên ký… Trong đó lò Đào Xương và lò Vinh Phát sản phẩm đa dạng, phong phú chủ yếu là đồ gia dụng như tô, chén, đĩa, bình, khay trà, gối, hũ… màu sắc tươi sáng, hình vẽ uyển chuyển, sống động thường do những thợ gốm có tay nghề cao đảm trách. Đặc biệt hai ông Ngô Vinh Phát và Lâm Đào Xương vừa là chủ lò đồng thời là nghệ nhân chế tác vì thế trên sản phẩm gốm của hai lò này có ghi tên họ chủ lò như “Ngô Vĩnh Phát tác” (Ngô Vĩnh Phát chế tác); “Lâm Đào Xương tác” (Lâm Đào Xương chế tác).


Tên người chế tác được ghi trên sản phẩm rất ít. Đối với các sản phẩm gốm thương mại thì tên người chế tác hầu như không được ghi, chủ yếu là ghi tên lò sản xuất. Vì thế đối với các sản phẩm gốm Lái Thiêu có ghi tên người chế tác thường là những món đồ do nghệ nhân chế tác riêng hoặc vẽ chơi được lưu giữ kỷ niệm hay làm tặng phẩm. Người nghệ nhân chế tác rất đặc biệt vì thế những hiện vật này có chất lượng cao, tạo dáng cân đối, màu men tương sáng, hoa văn trang trí sinh động. Đơn cử trong sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, có một chiếc bình gốm men xanh trắng, cao 13cm, đường kính miệng 3cm tạo dáng cân đối, hoa văn chính được trang trí ở phần thân, cảnh đôi chim đậu trên cành cúc, hoa cúc mãn khai, hoa to tách bạch từng cách rõ ràng, xung quanh tô điểm thêm vài chiếc lá, bức tranh thêm cân đối với bốn dòng chữ Hán phía sau được viết theo lối chữ thảo, chữ viết nhanh, dứt khoát.

“Duy hữu hoàng hoa vãn tiết hương” (chỉ có hoa vàng hương tiết muộn) (Ngô Tùng)

Thời tại Bính Tuất hạ ư Việt Nam”.
(Chiếc bình trên được nghệ nhân Ngô Tùng* chế tác vào mùa hạ năm 1946 tại Việt Nam).
Minh văn có tên tác giả chế tạo trên gốm Lái Thiêu không phải là trường hợp cá biệt, hiện tượng này đã thấy xuất hiện vào thế kỷ XV trên chiếc bình gốm Chu Đậu dáng củ tỏi men xanh trắng vẽ hoa mẫu đơn hiện đang lưu tại Bảo tàng Topkapi Saray – Istambul – Thổ Nhĩ Kỳ, trên thân có dòng chữ Hán “Thái Hòa bát biên Nam Sách Châu tượng nhân Bùi Thị húy bút” (3) (Thái Hòa năm thứ tám 1450 – nghệ nhân Bùi Thị ở Châu Nam Sách vẽ chơi), đặc biệt vào thế kỷ XVI – XVII tác giả Đặng Huyền Thông ở Chu Đậu và tác giả Đỗ Xuân Vi ở Bát Tràng đã chế tạo ra nhiều hiện vật gốm khá độc đáo hiện còn được lưu giữ ở một số bảo tàng và sưu tập tư nhân trong và ngoài nước.

3. Tên người đặt hàng hay tên địa danh:
Tên người đặt hàng không chỉ là tên cá nhân mà có thể là tên cửa hàng, tên hiệu buôn hay tên đình, chùa, miếu mà người đặt hàng muốn dâng cúng. Các sản phẩm có ghi tên người, cửa hàng hay hiệu buôn chủ yếu là các loại đồ gia dụng như ấm trà, chung trà, bình, ca, ống cắm đũa… chữ viết có chữ Việt và chữ Hán. Trên một chiếc ca gốm men nhiều màu vẽ hoa có ghi tên “Nguyễn Thị Cúc” bằng chữ Việt; “Trương Ký thực điếm” “tiệm cơm Trương Ký) được viết bằng chữ Hán màu xanh lam trên chung trà men trắng; hay trên một ấm trà men xanh trắng vẽ hoa cúc có ghi hàng chữ Hán “Hiệp Hưng trà thất” (tiệm trà Hiệp Hưng). Đặc biệt trên bát nhang men da lươn đang lưu giữ tại Bảo tàng TP. Hồ Chí Minh cao 18cm, đường kính 26cm hai vai đắp nổi hổ phù, trên thân đắp nổi 25 chữ Hán màu xanh chia 5 hàng, 3 hàng ngang ở giữa, 2 hàng dọc 2 bên âm đọc

Tín
Từ hàng phổ
Độ Nhâm

Nữ
Na Tiếu
Thìn

Ngô
Quảng Hòa Xương điêu tạo
Niên

Thị

Tứ

Cải

Nguyệt

Tống



Nhất

Nhật


(Lái Thiêu – lò gốm Quảng Hòa Xương chế tạo vào ngày 01 tháng 04 năm 1952, do tín nữ Ngô Thị Cải dâng tặng).

Minh văn tên người đặt hàng không chỉ được ghi trên gốm Lái Thiêu mà còn thấy trên một số sản phẩm gốm Sài Gòn như trên chiếc chậu men nhiều màu, thân đắp nổi 4 chữ Hán “Thái Hồ tửu lâu” (quán rượu Thái ồ) đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh.




Tên địa danh là tên vùng đất, thường được ghi dưới dạng tên hành chính từ cấp thôn, xã, huyện, thị xã, tỉnh. Tên địa danh rất ít khi viết đơn lẻ, mà luôn viết kèm với tên lò như: “Na Tiếu Quảng Hòa Xương diêu xuất phẩm (Lái Thiêu – lò gốm Quảng Hòa Xương sản xuất) chữ được đắp nổi ở đế tượng Trương Quả Lão trong bộ sưu tập tượng gốm ở Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh, hay trên chiếc chậu men nhiều màu của nhà sưu tập Nguyễn Văn Toản có dòng chữ “Na Tiếu – Hứa Xuân ký – Ngô Vinh Phát tặng” (Lái Thiêu – Ngô Vinh Phát tặng tiệm Hứa Xuân). Đặc biệt trên hai hiện vật trên tên “Na Tiếu” được viết bằng chữ Nôm các chữ còn lại được viết bằng chữ Hán. Minh văn tên địa danh trên gốm Lái Thiêu có nhiều nét tương đồng với gốm Sài Gòn, như một số quần thể tiểu tượng gốm Sài Gòn trên các Miếu người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh có đắp nổi minh văn bằng chữ Hán “Đề Ngạn – Bửu Nguyên diêu tạo” (Chợ Lớn – lò gốm Bửu Nguyên tạo).

Ngoài ra loại minh văn này còn thấy trên một số hiện vật gốm Bát Tràng và Chu Đậu thế kỷ XVI – XVII.
Trả lời với trích dẫn
  #3  
Cũ 02-06-2012, 03:03 PM
tongyu_vn tongyu_vn đang online
Senior Member
 
Tham gia ngày: May 2012
Bài gửi: 1.143
Mặc định

4. Chức năng hay công dụng:
Đối với các sản phẩm có ghi chức năng hay công dụng đa phần được sản xuất theo đơn đặt hàng, thông thường là các loại đồ đựng nước tương, giấm (đỏ) chua, đường, trần bì…

Cách ghi chức năng công dụng trên gốm Lái Thiêu cũng thấy trên gốm Sài Gòn, có thể thấy sản phẩm đặc trưng nhất của gốm Sài Gòn là các vỏ có vòi dùng đựng rượu thuốc như “phong thấp dược tửu” (rượu thuốc trị phong thấp), “lượng bổ dược tửu” (rượu thuốc bổ)… (4) được chế tác một cách khá cầu kỳ, mang yếu tố trang trí nhiều hơn là công năng sử dụng.

5. Lời chúc tốt lành:



Đây là các chữ hay câu với ngụ ý tốt đẹp, thường là chữ Hán, được đề viết dưới men ngay vị trí trang trọng nhất của món đồ như lòng chậu rửa mặt, trên thân bình, trên nắp… với ý nguyện cầu chúc phúc, chúc may mắn trong cuộc sống hay những lời ngụ ngôn, thành ngữ. Về chữ thấy có chữ đơn như “Thọ”, “Phúc”, “Cát” trong đó chữ Thọ được viết với nhiều lối khác nhau, nhiều nhất là viết theo lối chữ triệu và chữ chân phương; Chữ kép có chữ “Cát Tường”, “Phú Quý”; loại 3 chữ có “Phúc Lộc Thọ”. Nhiều chữ hơn về nội dung có loại đề 4 chữ như “Bách niên tử thiên tôn” (Trăm con ngàn cháu), “Cát tường thọ lão” (sống lâu may mắn), “Duyên niên ích thọ” (sống lâu), “Phúc tường thọ lão” (sống lâu may mắn)… Lời chúc cát tường thường sử dụng nội dung kết hợp tên lò hay niên đại, như trên khay trà men nhiều màu vẽ bướm và hoa của nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt có ghi dòng chữ Hán “Hoa khai phú quý” (hoa nở giàu sang) và hàng chữ số ghi năm chế tạo “Tây nhất cửu lục nhất niên lục nguyệt tác” (năm 1961 Tây lịch).

Chữ viết trên gốm là một dạng văn tự đốc đáo, dựa vào đó có thể hiểu được đời sống kinh tế, văn hóa cũng như nhu cầu thực tế của xã hội đương thời. Đối với các nhà nghiên cứu gốm, chữ viết là một chi tiết hết sức quan trọng trong việc giám định đồ gốm. Nội dung, thể chữ, cách thức, kỹ thuật để viết trên món đồ mang đặc trưng của từng thời kỳ rõ ràng. Có thể so sánh, đối chiếu chữ viết với hoa văn trang trí, hình dáng, màu men để xác định niên đại một cách chính xác cũng như sự phân biệt thật giả. Vì thế nghiên cứu chữ viết trên gốm Lái Thiêu cũng không ngoài mục đích đó.

_________________

(*) Ngô Tùng (sinh năm 1914) là người Hoa gốc Triều Châu sang Việt Nam năm 1934, lúc đầu đi vẽ “chầu” cho một số lò gốm ở Chợ Lớn, trong đó có lò Nam Phong (hiện vật giai đoạn này do ông chế tác còn lưu lại cho đến nay có một số hộp phấn nhỏ men nhiều màu, đường kính miệng từ 9 – 11cm, hoa văn trang trí theo đề tài hoa điểu như Tùng – Hạc, Tùng – Ưng, Hồng – Sáo, trong lòng có ghi tên, niên đại bằng chữ Hán “Ngô Tùng – Kỷ Mão niên tác – Ư Việt Nam” (Ngô Tùng chế tác vào năm 1939 tại Việt Nam). Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp năm 1945, Ngô Tùng về Lái Thiêu vẽ cho một số lò trong đó có lò Duyệt An. Những hiện vật do ông chế tác đa phần rất tinh xảo, nét vẽ điêu luyện, chữ viết nhanh, đẹp mang nhiều yếu tố của thư pháp, xứng đáng xếp vào những tác phẩm nghệ thuật. Ông mất năm 1984, thọ 70 tuổi. Ngô Tùng là một nghệ nhân chế tác gốm tài hoa, tác phẩm gốm của ông còn lại không nhiều, nhưng được người đời trân trọng và lưu giữ.

(1). Hà Văn Tấn (2002), Chữ trên đá – chữ trên đồng minh văn và lịch sử, Nxb, Khoa học Xã hội, tr. 64.

(2). Phan Huy Lê – Nguyễn Đình Chiến – Nguyễn Quang Ngọc (1995), Gốm Bát Tràng thế kỷ XIV – XIX, Nxb. Thế giới, tr. 176.

(3). Tăng Bá Hoành và nnk (1999). Gốm Chu Đậu, Kinh Books, tr. 18.

(4) Hoàng Anh Tuấn – Trần Ngọc Hà (2000). Quanh những vò rượu trong sưu tập gốm Sài Gòn ở Bảo tàng Tp. Hồ Chí Minh, trong Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 1999, Nxb Khoa học Xã hội, tr. 601 – 602.


Diệp Minh Cường

Nguồn tin : Xưa & Nay, số 314, 8/2008
Trả lời với trích dẫn
CHUYÊN MỤC ĐƯỢC TÀI TRỢ BỞI
Trả lời


Công cụ bài viết
Kiểu hiển thị

Quyền viết bài
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

vB code is Mở
Mặt cười đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Mở
Chuyển đến

SangNhuong.com