Cách chăm sóc khi trẻ bị sốt
Trẻ em rất hay bị sốt do nhiều nguyên nhân và có thể tùy đặc tính cơn sốt mà thể hiện một tình trạng bệnh lý khác nhau. Việc chăm sóc trẻ em ban đầu khi bé bị sốt rất quan trọng nhưng không phải ông bố, bà mẹ nào cũng biết cách.
Sốt là một phản ứng của cơ thể, hay gặp ở trẻ em. Bất kỳ sự thay đổi môi trường, thời tiết nào cũng khiến trẻ có nguy cơ bị sốt. Mặc quá ấm, ở trong phòng nóng cũng có thể khiến trẻ bị sốt. Ngoài ra, trẻ còn bị sốt do nhiễm độc thức ăn, do chấn thương, do nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút. Thậm chí có những trẻ trong quá trình chơi đùa mà ra quá nhiều mồ hôi gây mất nước cũng có thể bị sốt.
Ảnh minh họa
Theo định nghĩa, sốt nghĩa là thân nhiệt trong cơ thể cao hơn mức bình thường. Con bạn có sốt nếu: Nhiệt độ đo ở hậu môn trên 38oC đo ở miệng trên 37,5oC, ở nách trên 37,2oC… Nhiều trường hợp, cha mẹ chỉ sờ trẻ và kết luận rằng trẻ sốt. Nếu trẻ sốt cao thì xác định sốt theo cách sờ như vậy khá chính xác, nhưng nếu cha mẹ sờ chỉ thấy “ấm ấm” thì nhiều khi không chính xác, và khi đo nhiệt độ thì bé không có sốt.
1. Chăm sóc khi bé bị sốt thông thường
Những việc cần làm khi trẻ bị sốt :
- Cho trẻ uống nước nhiều hơn bình thường.
- Theo dõi nhiệt độ mỗi giờ
- Cho trẻ nghỉ ngơi trong phòng thoáng khí nhưng không có gió lùa.
- Không để quạt chĩa thẳng vào người trẻ ngay cả khi trời rất nóng.
- Nếu dùng điều hoà nhiệt độ chỉ nên để nhiệt độ ở khoảng 27-28 độ.
- Cởi bớt và nới rộng quần áo
- Cho trẻ ăn thức ăn loãng hơn bình thường, nhẹ, dễ tiêu
- Nếu thân nhiệt của bé không cao quá 38o5 thì không nên cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt ngay vì phản ứng sốt nhiều khi cần được tôn trọng dù sốt có gây mệt mỏi cho trẻ.
- Nếu trẻ sốt cao trên 38,5oC thì nên dùng thuốc hạ nhiệt theo chỉ dẫn của bác sĩ, các thuốc hạ nhiệt thường dùng là paracetamole, Cứ 4 – 6 giờ một lần, các bậc phụ huynh nên cho trẻ uống từ 10 – 15mg Paracetamol/ mỗi kg cân nặng. Phụ huynh không được tự ý mua thuốc Aspirin hay các thuốc kháng viêm nonsteroids. Các loại thuốc này có thể khiến trẻ bị xuất huyết tiêu hóa.
- Có thể áp dụng thêm phương pháp chườm mát cho trẻ bằng nước ấm (bằng với nhiệt độ nước tắm của bé là được). Sau đó, dùng năm cái khăn, 2 khăn đắp vào nách và 2 khăn đắp vào bẹn, khăn còn lại nhúng nước lau khắp cơ thể trẻ. Đối với các khăn đắp cố định ở nách và bẹn, sau 5 – 10 phút lấy ra nhúng lại vào nước ấm, vắt ráo và đắp liên tục vào bẹn và nách
Hình minh hoạ
Theo dõi các triệu chứng:
Theo dõi kỹ các biểu hiện của trẻ sẽ giúp cha mẹ kể bệnh với bác sĩ rõ ràng hơn, giúp cho việc chẩn đoán tốt hơn và đưa ra phương hướng điều trị hiệu quả hơn. Những triệu chứng cần theo dõi là:
- Trẻ sốt thế nào? Nhiệt độ có lên xuống thất thường không ?
- Trước khi sốt có biểu hiện gì khác thường không ?
- Trẻ có nôn không? Có ho không?
- Trên người có nổi lên vết gì không?
- Trẻ có kêu đau đầu, đau bụng không ?
- Trẻ ăn uống thế nào ?
- Phân trẻ có gì khác thường không?
- Xung quanh có ai bị bệnh như trẻ không ?
Nên đưa trẻ đi khám bác sĩ khi:
- Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mà sốt trên 37,5oC
- Với trẻ lớn hơn thì khi thân nhiệt của bé từ 38,5oC trở lên
- Sốt dưới 38,5oC nhưng kéo dài vài ngày.
- Nhiệt độ lên xuống thất thường sáng, trưa, chiều, tối.
- Đang bệnh mà nhiệt độ tăng lên bất thường
- Đang sốt mà bị hạ nhiệt xuống dưới 36,5oC.
- Đã dùng thuốc hạ nhiệt theo hướng dẫn của bác sĩ nhưng triệu chứng sốt không giảm.
2. Cách xử lý khi bé bị sốt kèm theo co giật.
Co giật do sốt cao thường gặp ở trẻ em lứa tuổi từ 6 tháng tới 5 năm, đặc biệt là dưới 3 năm do hệ thần kinh của trẻ ở tuổi này còn non yếu. Chứng co giật khi sốt cao này có thể gây nguy hiểm hoặc gây di chứng cho trẻ nếu không sử lý kịp thời.
Cơn co giật có hại cho cơ thể và bộ não của trẻ do thiếu oxy não, nhất là nếu cơn co giật kéo dài và tái đi tái lại nhiều lần.
Triệu chứng thường gặp:
- Nhiệt độ tăng lên đột ngột, thường trên 39oC .
- Trước khi có hiện tượng co giật mặt trẻ thường tái đi, mê man, nói lảm nhảm hoặc rên rỉ, cứng người, mắt trợn ngược. Mấy giây sau, hiện tượng co giật xuất hiện ở mặt, ở chân tay, ít khi kéo dài quá 10 phút. Sau cơn co giật trẻ thường ngủ, nhưng nếu đánh thức thì trẻ tỉnh dậy, không li bì hay mê man.
- Trong gia đình thường có người có tiền sử sốt cao co giật.
- Trong các trường hợp nhẹ thường khó nhận thấy các cơn co giật vì trẻ chỉ cứng người hoặc giật chân tay, mặt tái trong một thời gian ngắn. Thay vào hiện tượng mê man, có lúc trẻ như không nghe, không nhìn, không cảm thấy mọi vật chung quanh. Triệu chứng rõ nhất lúc này là mắt trợn ngược.
Cách xử lý
Tốt nhất là nên gọi bác sĩ đến nhà, nếu không có điều kiện gọi bác sĩ đến nhà thì cũng nên cho trẻ đi cấp cứu khi đã hết cơn giật, đưa trẻ đi ngay trong lúc đang giật dễ gây nguy hiểm cho trẻ. Trong lúc bác sĩ chưa có mặt, cần giữ thái độ bình tĩnh và làm một số việc sau để nhiệt độ của trẻ hạ xuống:
- Cởi khuy áo nới rộng hoặc bỏ bớt quần áo, không quấn hoặc ủ ấm cho trẻ
- Nhanh chóng đặt trẻ nằm xuống giường hoặc nơi bằng phẳng, thoáng mát, đề phòng trẻ rơi ngã hoặc va đập đầu vào các vật cứng. Người lớn nên ngồi ngay cạnh trẻ nắm tay trẻ để trẻ đỡ sợ.
- Dùng khăn nhúng vào nước mát lau khắp mình trẻ, đặc biệt là ở nách, bẹn và trán; cần lau lại nhiều lần cho đến khi trẻ hết giật.
- Dùng thuốc hạ nhiệt loại thông thường mà bé thường dùng, theo đúng liều lượng bác sĩ kê cho, lúc này tốt nhất là dùng viên dạng nhét hậu môn vì cho trẻ uống lúc này rất khó và dễ gây sặc.
- Đợi khi trẻ ngừng cơn giật thì lật trẻ nằm nghiêng sang một bên ngay, đầu hơi ngửa ra sau (tư thế an toàn) để nếu trẻ có nôn chất nôn sẽ ra ngoài mà không vào đường thở gây nguy hiểm tính mạng cho trẻ.
- Nếu không có bác sĩ đến nhà thì ngay sau cơn co giật nên cho bé đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm giúp cho việc chẩn đoán bệnh cũng như các tổn thương do cơn giật gây ra nếu có.
Những điều không nên làm khi trẻ đang bị co giật và có sốt cao
- Không nên tìm cách chống cơn giật bằng cách giữ người trẻ, vì rất dễ gây tổn thương bộ phận, gãy xương trẻ.
- Không được cho bất cứ thứ gì vào miệng trẻ vì trẻ sẽ sặc vào phổi.
- Không được dùng vật cứng gì gang miệng trẻ, vì rất ít khi trẻ cắn phải lưỡi (nếu có cắn cũng không nguy hiểm gì) mà rất dễ gãy răng, sứt lợi, tổn thương niêm mạc miệng do vật cứng.
Nguồn: Dinhduong