Em chưa hiểu nhiều lắm, với chút kiến thức góp nhặt được, em xin mạo muội phá đề như sau:
Bứng (hay đánh) cây vào chậu, với những lý do bác Bonhe đã nêu, cần căn cứ vào các yếu tố: đặc điểm vùng miền (liên quan đến khí hậu), thời điểm (liên quan đến khả năng sinh trưởng của cây và thời gian phục hồi) và giống cây.
1. Vùng miền:
Ở VN nói chung có khí hậu theo các vùng miền khác nhau. Chi tiết thì có tới 7-8 vùng miền, ít hơn thì cũng phải 3-4 vùng miền có đặc trưng khác nhau:
+ Miền Bắc và Bắc Trung Bộ;
+ Miền Nam Trung Bộ;
+ Tây Nguyên;
+ Đồng bằng sông Cửu Long
Nếu chi tiết hơn, Miền Bắc và Bắc Trung Bộ gồm 3 vùng, Đồng bằng sông Cửu Long gồm 2 vùng nữa. Tuy nhiên, phân ra 4 miền là tạm đ ủ.
Thời tiết ở Việt Nam cũng gồm 2 hình thái chính: từ Đèo Ngang trở ra có thời tiết 4 mùa khá rõ rệt, trong khi từ Đèo Ngang trở vào lại chủ yếu có 2 mùa: mùa mưa và mùa khô. Từ nay về sau, nói "ngoài Bắc" nghĩa là vùng có khí hậu 4 mùa, còn "trong Nam" là vùng có khí hậu 2 mùa.
2. Thời điểm.
Do đặc trưng văn hóa, ở Việt Nam vẫn dùng song song hai loại lịch: Dương Lịch (hay Tây lịch) và Âm - Dương Lịch (Âm Lịch). Một điều dễ thấy là mặc dù Dương lịch được coi là chuẩn quốc gia, nhưng toàn bộ lịch gieo cấy các loại cây do Bộ No&PTNT khuyến cáo đối với từng địa phương lại chủ yếu sử dụng theo Âm Lịch. Vì vậy, người chơi cây cần phải nắm được quy luật này.
Thông thường, với thực vật nói chung, quy luật cổ truyền của các cụ là: xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng. Nghĩa là mùa xuân thì sinh sôi nảy nở, mùa hạ thì thì phát triển, mùa thu thì giảm dần hoạt động và mùa đông thì ẩn sự sống đi. Dựa vào quy luật này, việc nói đánh cây vào cuối thu, đầu đông là chính xác. Ở thời điểm này, cây thu hết nhựa vào thân, sắp bước vào thời kỳ ngủ đông, khí hậu mát mẻ, khô ráo khiến cho vết cắt ít bị mất nhựa, nhiễm khuẩn...
Đối với cây ở miền Nam, chỉ có 2 mùa mưa và mùa khô nhưng có nắng và nhiệt độ cao quanh năm, quy luật sinh trưởng đơn giản chỉ là mùa mưa thì lớn mạnh, đầu mùa khô bắt đầu thu nhựa và cuối mùa khô là thời điểm đánh cây thích hợp. Khi đó, việc tưới tắm, bảo quản các vết cắt cũng dễ dàng hơn so với mùa mưa.
Tuy nhiên, đánh cây cần phải biết liệu thời tiết và chống lại những biến động khác thường của nó. Chẳng hạn năm nay, mùa mưa ngâu mà chẳng có lấy 1 giọt mưa ở miền Bắc, trời lập thu mà vẫn nắng trang trang 35-36 độ. Buổi sáng phe phẩy heo may, giữa trưa đưa chút gió tây, chiều về lại quay gió nồm. Những hình thái thời tiết đặc biệt như thế này, nếu biết tận dụng, cây sẽ sinh trưởng cực mạnh, nhưng nếu không biết, chăm sóc cây sẽ rất khổ sở. Những người trồng đào và mai Tết năm nay đang bắt đầu tá hỏa với những đợt hoa trái mùa là 1 minh chứng rõ nhất.
Một cách chung nhất, về thời điểm đánh cây, thích hợp nhất là từ tiết thu phân đến tiết đông chí (cái này lịch nào cũng có). Tuy nhiên, cần lưu ý về mặt thời điểm. Mặc dù có thể theo lịch là đông chí, nhưng khí hậu chưa chắc đã thay đổi đúng theo tiết khí này. Việc thời tiết sớm hay muộn, ngoài yếu tố bất thường El Nino và La Nina mới phát sinh gần đây thì tuân thủ theo quy luật: cứ 3 năm có 1 năm nhuận (ÂL), năm nhuận thời tiết đến muộn khoảng 10 ngày, năm 1 sau năm nhuận là đúng, năm sau sớm khoảng 10 ngày.
3. Sinh lý cây.
Những loại cây khác nhau có đặc điểm sinh lý khác nhau, có thể phân ra mấy nhóm:
+ Nhóm cây lá kim như thông, tùng, tùng la hán, kim giao...
+ Nhóm cây lá rộng vỏ dầy, khỏe.
+ Nhóm cây lá rộng, vỏ mỏng, yếu;
+ Nhóm cây thân thảo, mọng nước.
Sinh lý các nhóm cây này khác nhau:
+ Nhóm lá kim thường sinh trưởng chậm, khá nhạy cảm với việc chặt rễ, di chuyển khỏi nơi sống cũ. Thường nhóm này có nấm cộng sinh với rễ cây nên khi đánh, chú ý đánh nhiều lần và mang ít đất từ nơi đánh cây về trồng để phần rễ mới mọc sau khi đánh có sẵn nguồn nấm cộng sinh. Khi đánh cần xử lý vết cắt cẩn thận và dùng thuốc kích thích ra rễ. Đánh bắt buộc phải có bầu, đường kính bầu đất tối thiểu gấp 3 lần đường kính gốc;
+ Nhóm cây lá rộng, vỏ dày, khỏe như: sanh, si, sung, đa, đề, sộp ... nói chung vỏ dày, nhiều nhựa, sống khỏe nhưng gỗ không chắc, rất dễ bị mục. Khi đánh, chỉ cần lưu ý cắt đầu rễ, đầu cành cho ngọt là ổn, thậm chí không cần bảo quản vết cắt và kích thích ra rễ. Bầu đất đánh có thể nhỏ, thậm chí ko có bầu đất vẫn sống;
+ Nhóm lá rộng, vỏ mỏng, yếu như: tường vi, ổi, du, linh sam ... có vỏ mỏng, gỗ cứng, khi gỗ hóa rồi rất khó tạo tác. Những cây này thường khó tính, khi đánh cần xử lý gọn gàng như đối với cây lá kim nhưng không cần mang đất từ nơi đánh cây về chỗ trồng. Đường kính bầu đất cũng tối thiểu 3 lần đường kính gốc;
+ Nhóm cây thân thảo, mọng nước: dễ sống, chịu được đánh chuyển, cắt tỉa rễ như: sứ, xương rồng, baobab ... Đối với những cây dòng này, đánh rất đơn giản, chỉ cần giữ lại chút rễ là được.
4. Một số điểm cần lưu ý khi đánh cây:
+ Đánh làm nhiều lần: đối với những cây to, những cây có rễ cọc, nên đánh cây làm nhiều lần, thời gian tối đa là 1 năm. Lần đầu đào xuyên, chặt rễ cọc và có thể 1 phần rễ xung quanh, sau đó cắt sửa gọn gàng đầu rễ, lấp đất lại, có thể lót nilon bên ngoài lỗ đào để sau này khi rễ con mọc ra có thể bứng về mà không bị đứt nhiều. Sau 2-3 tháng, lại đào và cắt tiếp 1 phần rễ. Sau 1 năm, cây có nhiều rễ con mọc từ các đợt chặt rễ trước nên đánh về xác suất sống cao;
+ Kích thích ra rễ: đa số cây, đặc biệt là những cây vỏ dầy, khỏe thường có đặc tính là khi bị đưa vào trạng thái gần chết, sau đem trồng lại thường lên rất khỏe. Áp dụng đặc tính này, người ta đánh cây lên, sửa rễ gọn gàng, xong để cây vào nơi râm mát 1 thời gian để khô nhựa và kích thích cây ra rễ. Với những cây khó sống, bầu nhỏ, để từ 1 buổi đến 2 ngày. Những cây đánh bầu lớn, có thể để 1 - 2 tuần để kích thích;
+ Tỷ lệ bầu đất và đường kính gốc: cây càng nhỏ, tỷ lệ tương quan giữa bầu đất và đường kính gốc càng lớn và ngược lại. Bầu đất càng lớn, xác suất sống của cây càng cao;
+ Tỉa lá: khi bứng cây, dứt khoát phải tỉa bớt lá. Tùy theo mức độ tổn thương của cây khi bứng mà ta có thể tỉa hết hoặc tỉa 1 phần lá. Tuy nhiên, riêng đối với cây lá kim, phải giữ lại 1 phần lá cho cây thở vì khả năng nảy mầm ngủ của cây lá kim là rất yếu, cắt hết nguy cơ chết rất cao;
+ Che chắn: trồng cây mới đánh, bất kể mùa nào cũng phải che chắn. Mùa hè che nắng, mùa thu đông che gió, sương. Cây mới đánh, sức đề kháng yếu, nếu cây không được che chắn rất dễ bị tổn thương;
+ Sửa rễ, tay, cành: thường cây đánh xong, được kết hợp sửa rễ và tay cành luôn. Lưu ý, dùng kéo cắt và cưa cắt tỉa lại các vết cưa, cắt, chặt trừ trước cho hết chỗ bị giập, bôi thuốc sát khuẩn (vôi) và/hoặc thuốc kích thích/bảo quản vào những vết đó trước khi trồng lại, đặc biệt đối với những cây phải vận chuyển trên quãng đường xa;
+ Tưới: sau khi trồng cây vào chậu, nên tưới thật đẫm lần đầu, sau đó để khô đi, che chắn cẩn thận kẻo dính trời mưa liên tiếp thì cũng khổ
. Để đến khi đất tương đối khô mới tưới vừa ***** ẩm trở lại. Khi thấy cây bén rễ, phát triển trở lại mới bắt đầu dùng phân bón để cây nhanh lại sức.
Trên đây là những kiến thức em lượm lặt được trong quá trình tìm hiểu, học hỏi chơi cây. Có gì chưa hay, chưa phải xin các bác chỉ giáo. Mong các bác sử dụng kiến thức này để đánh cây cho tốt, lỡ có kết quá, vào rừng đánh thì cũng chỉ đánh cây mình cần mà không làm hại cây xung quanh.