Đào Mãn Thiên Hồng, cây cảnh mới trong làng hoa Đồng Chè
Những năm gần đây, huyện Hoành Bồ đã quy hoạch và đầu tư phát triển các mô hình trồng hoa cao cấp như: lay-ơn, hồng, cúc, đồng tiền, lyly, lan, loa kèn... mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Để đa dạng hoá các loại hoa và cây cảnh, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng huyện đã tích cực đưa các giống hoa thích hợp để bổ sung cho thị trường hoa của địa phương trong đó có cây đào Mãn Thiên Hồng.
Mãn Thiên Hồng là loại hoa đào có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập về Việt Nam từ năm 2006, bước đầu trồng thử nghiệm ở Hà Nội cho thấy chất lượng và giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với giống bích đào và đào phai. Mặt khác, loại cây này lại dễ trồng, cây cao vừa phải, thích hợp để trong nhà. Giống cây này không những có nhiều màu sắc (phớt hồng, hồng, hồng thẫm...) mà còn rất bền hoa nên được các nhà vườn và người tiêu dùng đánh giá cao. Sau một thời gian nghiên cứu thấy phù hợp với chất đất và khí hậu ở Hoành Bồ, tháng 4-2008, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã triển khai thực hiện dự án “Trồng thử nghiệm đào Mãn Thiên Hồng làm cây cảnh tại thị trấn Trới”.
Ông Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hoành Bồ - chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án này do Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) cung cấp giống và chuyển giao tiến bộ KHKT. Theo kế hoạch, dự án thực hiện trong 12 tháng. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 120 triệu đồng. Trong đó, trích từ ngân sách sự nghiệp khoa học huyện gần 78 triệu đồng, còn lại do người dân tham gia dự án đóng góp. Hiện nay, dự án có 2 hộ gia đình ông Đỗ Duy Đông và bà Nguyễn Thị Nghĩa (khu 6, thị trấn Trới) tham gia. 2 hộ này đã được Phòng tập huấn và tiến hành trồng thí điểm ở làng hoa Đồng Chè 450 gốc đào Mãn Thiên Hồng. Đào Mãn Thiên Hồng được trồng theo phương thức thu hàng năm, khoảng 4.500 cây/ha. Gốc đào được trồng dưới hố sâu 50cm, rộng 60cm, bón các loại phân chuồng, đạm, lân và kali. Để 450 gốc đào Mãn Thiên Hồng bói hoa trong dịp Tết Nguyên đán 2009, các kỹ sư của Phòng đã hướng dẫn và cùng với các hộ dân tiến hành một số biện pháp cơ học như: dùng dao khoanh 1 vòng quanh gốc đào, giúp giảm hàm lượng đạm, tăng hàm lượng các-bon. Theo đánh giá của ông Chi, số đào Mãn Thiên Hồng ra hoa trong dịp Tết Nguyên đán tới vẫn còn non, thế cây chưa đẹp, nhưng đến Tết năm 2010, đây thực sự là loại cây cảnh đẹp, độc đáo và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau hơn 6 tháng trồng, đến nay hơn 200 gốc đào của gia đình ông Đỗ Duy Đông đều phát triển tốt: cây cao gần 1m, đường kính tán khoảng 60cm, đường kính gốc 4cm và không bị sâu bệnh. Ông Đông cho biết: Trồng loại cây này cũng không khó lắm, quan trọng là phải nắm vững kĩ thuật trồng để cây sinh trưởng và phát triển ổn định. Sau đợt trồng thí điểm này, nếu cho kết quả khả quan, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư trồng thêm để phát triển kinh tế.
Tuy mới chỉ mang tính chất thực nghiệm nhưng trên cơ sở thừa hưởng những nghiên cứu đã có của các cơ quan chuyên ngành và những vùng trồng hoa lớn, có vận dụng sáng tạo khoa học vào điều kiện thực tại của địa phương, triển khai tại vùng đất có khí hậu và chất đất thuận lợi, thị trường tiêu thụ rộng, vì vậy dự án có tính khả thi cao. Dự án thành công sẽ góp phần đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và sản xuất ra nhiều sản phẩm cho xã hội.